Sự cố tai nạn không chỉ gây tổn thương về thân thể mà còn ảnh hưởng đến tinh thần làm việc và hiệu suất công việc, ảnh hưởng đến cả sự ổn định và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Việc thực hiện công tác điều tra khai báo tai nạn lao động không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là bước quan trọng hướng tới việc xây dựng một môi trường làm việc an toàn và tích cực.
Điều tra tai nạn lao động là gì?
Điều tra tai nạn lao động là hoạt động thu thập chứng cứ, tư liệu,… về vụ tai nạn lao động của người có thẩm quyền, có trách nhiệm nhằm tìm hiểu nguyên nhân, diễn biến của vụ tai nạn lao động. Từ đó, có biện pháp phòng ngừa, kiến nghị hoặc trực tiếp giải quyết, xử lý,… theo quy định của pháp luật.
Công tác điều tra khai báo tai nạn lao động
Khi xảy ra tai nạn lao động hoặc khi nhận được thông báo về tai nạn lao động, việc điều tra phải được tiến hành ngay. Toàn bộ quá trình điều tra phải được ghi lại thành biên bản điều tra. Kết quả điều tra phải lưu lại trong hồ sơ tai nạn lao động. Hồ sơ tai nạn lao động sẽ là căn cứ để giải quyết vụ việc và xử lý vi phạm (nếu có).
Phân loại tai nạn lao động
Để điều tra và khai báo tai nạn lao động, trước tiên chúng ta cùng xem có những tai nạn lao động nào.
🔸 Tai nạn lao động làm chết người lao động là tai nạn lao động mà người lao động bị chết thuộc một trong các trường hợp sau đây:
▪️ Chết tại nơi xảy ra tai nạn.
▪️ Chết trên đường đi cấp cứu hoặc trong thời gian cấp cứu.
▪️ Chết trong thời gian Điều trị hoặc chết do tái phát của vết thương do tai nạn lao động gây ra theo kết luận tại biên bản giám định pháp y.
▪️ Người lao động được tuyên bố chết theo kết luận của Tòa án đối với trường hợp mất tích.
🔸 Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nặng là tai nạn lao động làm người lao động bị ít nhất một trong những chấn thương được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.
🔸 Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nhẹ là tai nạn lao động không thuộc trường hợp tai nạn chết người hoặc tai nạn bị thương nặng.
Thời gian khai báo và nội dung khai báo tai nạn lao động
🔹 Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động chết người hoặc làm bị thương nặng từ 02 người lao động trở lên, người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn phải khai báo theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn, vệ sinh lao động như sau:
▪️ Khai báo bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) với Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi xảy ra tai nạn. Trường hợp tai nạn làm chết người đồng thời báo ngay cho cơ quan Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
▪️ Nội dung khai báo theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.
🔹 Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động chết người hoặc làm bị thương nặng từ 02 người lao động trở lên trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn, vệ sinh lao động, ngoài việc thực hiện khai báo theo quy định của luật chuyên ngành, người sử dụng lao động của cơ sở để xảy ra tai nạn phải khai báo như sau:
▪️ Khai báo bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) với Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi xảy ra tai nạn và với Bộ quản lý ngành lĩnh vực đó theo thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác. Trường hợp tai nạn làm chết người thì phải đồng thời báo ngay cho Công an cấp huyện.
▪️ Nội dung khai báo được thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.
🔹 Khi xảy ra tai nạn lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, thì việc khai báo theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 34 Luật An toàn, vệ sinh lao động được thực hiện như sau:
▪️ Ngay sau khi biết sự việc người lao động bị chết hoặc bị thương nặng do tai nạn lao động, gia đình nạn nhân hoặc người phát hiện có trách nhiệm khai báo ngay với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi xảy ra tai nạn lao động.
▪️ Khi nhận được tin xảy ra tai nạn lao động làm chết người hoặc làm bị thương nặng từ 02 người lao động trở lên, Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi xảy ra tai nạn phải báo bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) với Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Công an cấp huyện theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.
Quy định thời gian điều tra tai nạn lao động
Quy trình điều tra tai nạn lao động
✔️ Thu thập dấu vết, chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn lao động.
✔️ Lấy lời khai của nạn nhân, người chứng kiến, người biết sự việc hoặc những người có liên quan đến vụ tai nạn lao động.
✔️ Đề nghị giám định kỹ thuật, giám định pháp y (nếu cần thiết)
✔️ Phân tích kết luận về: diễn biến, nguyên nhân gây ra tai nạn lao động.
+ Kết luận về vụ tai nạn.
+ Mức độ vi phạm và đề nghị hình thức xử lý đối với người có lỗi trong vụ tai nạn lao động.
+ Các biện pháp khắc phục và phòng ngừa tai nạn lao động tương tự diễn ra.
✔️ Lập biên bản Điều tra tai nạn lao động.
✔️ Tổ chức cuộc họp và lập Biên bản cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động.
✔️ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động, gửi Biên bản Điều tra tai nạn lao động, Biên bản cuộc họp công bố Biên bản Điều tra tai nạn lao động tới người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân người bị nạn; Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động có người bị nạn đặt trụ sở chính; Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi xảy ra tai nạn lao động.
Trường hợp nào sẽ thành lập đoàn điều tra tai nạn lao động
Đoàn điều tra tai nạn lao động sẽ được thành lập trong các trường hợp sau:
Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động nhẹ hoặc tai nạn lao động làm bị thương nặng 01 người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của người sử dụng lao động quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động. Người sử dụng lao động phải thành lập ngay Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
Đối với các vụ tai nạn lao động xảy ra tại nơi thuộc thẩm quyền quản lý của người sử dụng lao động, nhưng nạn nhân là người lao động thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động khác, thì người sử dụng lao động tại nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở, đồng thời mời đại diện người sử dụng lao động của nạn nhân tham gia Đoàn Điều tra.
Đoàn điều tra tai nạn lao động gồm những ai?
Thành phần đoàn điều tra gồm:
▪️ Người sử dụng lao động hoặc người đại diện được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản và các thành viên là đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể người lao động khi chưa thành lập công đoàn cơ sở.
▪️ Người làm công tác an toàn lao động.
▪️ Người làm công tác y tế và một số thành viên khác.