CHỨNG NHẬN XUẤT XỨ HÀNG HÓA (CO) VÀ CHỨNG NHẬN CHẤT LƯỢNG HÀNG HÓA CQ
Khái niệm CO/ CQ?
– CO (certificate of origin): là giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cho hàng hóa xuất khẩu được sản xuất tại nước đó.
– C/Q (certificate of quality): là giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn của nước sản xuất hoặc các tiêu chuẩn quốc tế.
Ý nghĩa và mục đích của CO, CQ?
– C/O (certificate of origin): C/O phải tuân thủ theo quy định của nước xuất khẩu và cả nước nhập khẩu, thành ra có nhiều loại CO ( miễn thuế, ưu đãi thuế quan, có hạn ngạch,…). Do đó mục đích của C/O là chứng minh hàng hóa có xuất xứ rõ ràng, hợp pháp về thuế quan và các quy định khác của pháp luật về XNK của hai nước nhập và xuất khẩu (nói nôm na là không phải hàng lậu hay hàng trôi nổi không có nhà sản xuất rõ ràng).
Biết được nguồn gốc, hay xuất xứ của hàng hóa sẽ giúp chủ hàng nhập khẩu xác định xem hàng có được hưởng ưu đãi đặc biệt hay không.
Ví dụ: nếu hàng từ các nước ASEAN, có C/O form D, thì có thể được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt, nghĩa là thuế thấp hơn mức không có C/O.
Thêm nữa, với một số mặt hàng C/O sẽ quyết định hàng từ nước đó có đủ tiêu chuẩn nhập vào Việt Nam hay không. Chẳng hạn, vào thời điểm đầu năm 2014, máy móc thiết bị đã qua sử dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc thì không được nhập khẩu vào Việt Nam, theo quy định trong công văn số3016/BKHCN-ĐTG ngày 24/9/2013 của Bộ KHCN.
– C/Q (certificate of quality): Mục đích của CQ là chứng minh hàng hóa đạt chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố kèm theo hàng hoá. Là để người bán thể hiện cam kết của mình với người mua về chất lượng của hàng hóa.
Chứng từ này không bắt buộc trong hồ sơ hải quan. Nhưng với một số mặt hàng nhập khẩu, khi bạn làm thủ tục kiểm tra chất lượng nhà nước (chẳng hạn đăng kiểm xe máy chuyên dùng), thì phải nộp C/Q trong hồ sơ đăng ký.
Hai thuật ngữ này thường được nói liền với nhau chỉ như một thói quen để nói về nguồn gốc chất lượng của sản phẩm. Chúng vừa là tiêu chí quan trọng thường được đề cập tới trong bộ hồ sơ thủ tục, vừa nói cho thuận miệng khi chuẩn bị chứng từ.
Đơn vị có được phép phát hành CQ cho sản phẩm của mình không ?
Đơn vị sản xuất chỉ có quyền công bố tiêu chuẩn áp dụng cho hàng hóa của mình sản xuất, hoặc cấp giấy chứng chỉ xuất xưởng (tức là giấy chứng tỏ hàng hóa này là đợn vị đó sản xuất theo tiêu chuẩn X, vào ngày tháng năm,…, không phải là hàng giả, đơn vị đó chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa đó . Còn giấy CQ phải do cơ quan độc lập có chức năng cấp cho hàng hóa đó.
Chứng nhận CQ doanh nghiệp sẽ tự xây dựng, áp dụng và sẽ nhờ 1 tổ chức đánh giá có năng lực, uy tín cấp giấy chứng nhận.
Giám định chất lượng hàng hóa của đơn vị giám định độc lập cần cho sản phẩm?
Cái này thì tùy thuộc vào cơ sở bỏ tiền ra mua hàng hóa có muốn giám định hay không. Về nguyên tắc có C/O, CQ là đã đầy đủ theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên đối với một số mặt hàng hóa khi có yêu cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền (hải quan, bộ thương mại,..) thì cơ sở mua hàng hóa phải đem giám định độc lập bắt buộc (chẳng hạn : nghi ngờ rác thải, xăng dầu, ….).
Đối với các thiết bị đặc thù, chỉ được sản xuất bởi các nhà sản xuất lớn thì việc giám định chất lượng của đơn vị độc lập có cần thiết (vì có thể không đủ khả năng để giám định)?
Đối với thiết bị đặc thù thì việc cần thiết có giám định hay không đã nói rõ ở mục 3 ở trên. Về khả năng giám định, nếu trong nước không đủ khả năng , có thể thuê tổ chức giám định nước ngoài. Chẳng hạn hàng hóa là máy bay, máy MRI, máy chụp CT, thiết bị sản xuất điện hạt nhân…thì rõ ràng trong nước không đủ khả năng giám định, do đó thì có thể thuê cơ quan giám định của Pháp, USA,… chẳng hạn, tuy nhiên vấn đề là kinh phí.
Tài liệu tham khảo:
– Nghị định 19/2006/NĐ-CP, Quy định chi tiết Luật thương mại về xuất xứ hàng hóa. (Dowload tại đây)